Bạn mới mua tủ đông và không biết nên đặt tủ đông ở đâu, sử dụng sao cho đúng cách? Cùng Điện Máy Duy Khánh tham khảo một số lưu ý về cách sử dụng tủ đông khi mới mua về cũng như trong quá trình sử dụng để tủ đông nhà bạn có thể hoạt động ổn định và bền tốt theo thời gian.
1Không gian lắp đặt tủ đông
– Đặt tủ tránh xa bếp điện, bếp ga, hay các đồ dùng phát ra nhiệt lớn ít nhất 20 cm. Nếu diện tích không cho phép, hãy dùng một lớp cách nhiệt ngăn cách giữa chúng.
– Luôn giữ khoảng cách 10-15 cm giữa các bề mặt của tủ (trước, sau, trái, phải) cách tường hoặc các vật dụng khác để đảm bảo tủ được thông thoáng gió. Phía trên tủ đông phải có khoảng trống để mở tủ với dạng tủ nắp mở.
– Đặt tủ đông nơi khô ráo và thoáng mát. Tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào tủ hay các nguồn hay vật phát điện (lò nướng, máy nóng lạnh).
– Giữ cho mặt sàn đặt tủ cứng, bằng phẳng.
2Thời gian cắm điện và bắt đầu sử dụng tủ đông
Tủ đông khi mới mua về vừa trải qua quá trình vận chuyển một quãng đường dài. Vì vậy lúc này bạn không nên sử dụng tủ ngay mà nên lưu ý những điểm sau đây:
– Không cắm nguồn điện liền mà nên để nguyên trong tầm 2 tiếng để tủ ổn định khí gas và tránh tình trạng sốc điện do cắm điện.
– Sau 2 tiếng, bạn cắm nguồn điện vào, để tủ hoạt động ở công suất nhỏ nhất trong khoảng 4-8 tiếng và không cho bất kì thực phẩm nào vào tủ. Điều này sẽ giúp tủ quen dần với chế độ làm việc, tránh gây hư hỏng do bị ép làm việc đột ngột. Hơn nữa, nếu bỏ thực phẩm vào sớm thì thực phẩm sẽ bị ám mùi nhựa do tủ đông mới.
– Trong quá trình tủ chạy không tải (không chứa thực phẩm), cứ mỗi 2 tiếng bạn nên mở cửa tủ khoảng 5 phút để mùi nhựa theo hơi lạnh thoát ra ngoài.
– Sau 4-8 tiếng, bạn có thể vệ sinh sạch sẽ bên trong tủ và cho thực phẩm vào bảo quản bình thường.
3Một số lưu ý trong quá trình tủ hoạt động
– Không nên xếp thực phẩm quá chật chội bên trong tủ, vì lúc này hơi lạnh khó tìm được kẽ hở để tuần hoàn bên trong tủ, dẫn đến làm lạnh kém và gây đông không đều.
– Không mở cửa tủ quá thường xuyên, đặc biệt khi thời tiết nóng và ẩm. Một khi bạn đã mở cửa thì cố gắng đóng lại càng sớm, để tránh gây mất hơi lạnh và lãng phí điện năng.
– Lớp tuyết sẽ giảm hiệu suất làm mát và làm tủ tiêu thụ điện năng nhiều, vì vậy khi lớp tuyết dày 3-5 mm thì tiến hành rã đông.
– Khi để thực phẩm vào đông lạnh nên bọc ngoài túi nilon để hạn chế thực phẩm dính vào tủ, trong trường hợp thực phẩm bị dính chặt vào tủ, bạn không nên lấy vật nhọn xỉa vào hay thổi hơi nóng (máy sấy) vào thực phẩm có thể sẽ làm hư hại dàn lạnh, hư hại tủ, trong trường hợp này bạn nên rã đông tủ để lấy thực phẩm ra.
– Có thể nối tiếp đất cho tủ để đảm bảo an toàn bằng cách cắm sâu 1 thanh sắt xuống đất tối thiểu 10 cm, sau đó bạn dùng dây điện nối vào vỏ các thiết bị điện, rồi nối vào thanh sắt này. Như vậy, bạn sẽ hạn chế bị giật khi chạm vào vỏ các thiết bị điện khi bị rò điện.
– Thỉnh thoảng kiểm tra xem lỗ thoát nước có bị đông tuyết hay bị lấp bởi các vật thể khác không.
– Tủ nên được cắm đúng nguồn điện, đảm bảo đúng công suất của tủ. Phải rút dây nguồn ra khỏi ổ cắm điện trước khi vệ sinh sản phẩm.
– Hệ thống làm lạnh của tủ có dùng khí gas và các chất cách nhiệt khác. Trong trường hợp có hư hại, hay tháo lắp, hãy gọi cho dịch vụ bảo hành hoặc nhà phân phối nơi bạn mua hàng để được xử lý.